Những điều cần biết trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ

Thời gian vừa qua trên mạng xã hội đã có những tranh cãi nóng hổi về việc tham gia bảo hiểm nhân thọ, trong đó không ít người cho rằng các công ty BH lừa dối khách hàng. Điều này gây hoang mang dư luận và tạo những vấn đề tâm lý không tốt cho người đang tham gia và những khách hàng muốn tham gia và cả uy tín của các doanh nghiệp bảo hiểm. Tham gia bảo hiểm nhân thọ lần đầu tiên chắc chắn sẽ có những khó khăn và bỡ ngỡ. Hãy tham khảo ngay những lưu ý dưới đây trước khi tham gia bảo hiểm nhân thọ thì bạn sẽ không còn một chút lăn tăn nào nữa nhé.

1. Tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm
Hiểu về bảo hiểm nhân thọ và công ty bảo hiểm là điều đầu tiên và quan trọng nhất với những người lần đầu tham gia bảo hiểm. Trước hết bạn cần nắm rõ thông tin hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là gì, mục đích của bảo hiểm nhân thọ mà bạn sẽ mua và nó mang lại cho bạn những lợi ích hay quyền lợi gì... từ đó bạn mới đưa ra quyết định có nên mua hay không.

Sau đó, bạn cần tìm hiểu thông tin cơ bản về công ty bảo hiểm như các hoạt động theo pháp luật, nguồn gốc, lịch sử, mô hình hoạt động… để bạn hoàn toàn an tâm khi quyết định tham gia bảo hiểm. Đặc biệt với công ty mà bạn lựa chọn cần tìm hiểu kỹ về quy mô, đại lý, chi tiết các sản phẩm hiện nay, dịch vụ khách hàng, thông tin lãi suất, quỹ đầu tư...
Những điều cần biết trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ-ảnh 1
2. Phân tích tài chính và nhu cầu của bản thân
Trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cần xác định nhu cầu và phân tích tài chính của bản thân để chọn đúng sản phẩm và ký một một hợp đồng có mức phí phù hợp nhất. Mỗi một hợp đồng chỉ duy nhất một người được bảo hiểm chính nên bạn cần xác định rõ mục đích tham gia là gì, mua cho ai.
Những điều cần biết trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ-ảnh 2
Ví dụ, trong gia đình nếu chưa dư dả về tài chính nên tham gia cho người trụ cột trước để bảo vệ nguồn thu nhập chính của gia đình. Hoặc nếu mục đích cho con đi du học thì nên để con là người được bảo hiểm, xem xét bố hoặc mẹ ai thu nhập cao hơn và trẻ tuổi hơn chọn là người mua bảo hiểm. Hoặc nếu muốn bảo vệ cả gia đình trước rủi ro nên chọn người trụ cột và ghép tên các thành viên còn lại trong cùng một hợp đồng.

Phân tích tài chính cá nhân bao gồm:
- Nhu cầu tài chính tương lai bao gồm những mục tiêu nào, nên chia ra mục tiêu ngắn - trung - dài hạn. Số tiền mong muốn có được tương ứng từng mục tiêu, số tiền tiết kiệm hiện có, thời gian hoàn thành mục tiêu…

- Khả năng tài chính hiện tại: Tổng nhu nhập bao gồm cả tiền lương thưởng, tiền lãi đầu tư kinh doanh, tiền lãi gửi ngân hàng, tiền cổ tức từ góp vốn, tiền cho thuê nhà/xe...trừ đi tổng khoản chi bao gồm chi phí sinh hoạt cơ bản, chi phí giáo dục cho con, khoản đầu tư, giải trí, đầu tư bản thân, nợ ngân hàng phải trả, tiền hỗ trợ những người phụ thuộc...
Hãy dành 15%-20% thu nhập (sau chi phí) mỗi tháng để Mua 1 hợp đồng bảo hiểm cho bản thân hoặc gia đình mình.
Tham gia bảo hiểm nhân thọ là một hành trình dài hạn đầy ý nghĩa cho tương lai. Nhưng để tránh trường hợp "đứt gánh giữa đường" trong quá trình tham gia thì bạn hãy trung thực với khoản thu nhập thực tế và chi phí thực tế hàng tháng của bản thân mình hoặc cả gia đình để đưa ra quyết định đúng đắn. Chúng tôi xin lấy 1 ví dụ cụ thể sát thực cho 1 gia đình gồm 2 vợ chồng và 2 đứa con nhỏ 4-9 tuổi như sau:

Vợ chồng anh A và chị B ( độ tuổi 32-36) sống và làm việc ở TPHCM, có 2 con nhỏ 5 tuổi và 9 tuổi. Gia đình anh chị đang ở chung cư trả góp vay Ngân hàng (mỗi tháng phải trả gốc+lãi 10 triệu đồng). Tổng thu nhập của 2 vợ chồng mỗi tháng sau  thuế là 45 triệu đồng. Trước khi quyết định mua 1 hợp đồng bảo hiểm với phí đóng bao nhiêu chúng ta hãy mổ xẻ chi phí của gia đình anh A chị B như dưới đây:
  • Nợ phải trả: 10 triệu đồng/ tháng
  • Chi phí trung bình mỗi tháng của Anh A + chị B: 7-8 triệu/ người
  • Chi phí dành cho mỗi đứa con: 4,5 triệu/ tháng (con số gợi ý của nghiệp vụ thẩm định)
  • Chi phí đám cưới/ liên hoan/ thôi nôi/ mừng thọ,.. của anh A và chị B: 1 triệu/ ng/ tháng
Bỏ qua các khoản thưởng và các thu nhập có thể phát sinh thêm của anh A và chị B mỗi năm thì chi phí trung bình mỗi tháng của gia đình này là 35-36 triệu/ tháng. Như vậy mỗi tháng anh A và chị B dư ra 1 khoản tiền tương đương 9-10 triệu đồng. Anh chị A, B có thể cân nhắc mua 1 hợp đồng bảo hiểm với chi phí 20% x 9 triệu = 1.8 triệu đồng/ tháng, tương đương 21.6 triệu đồng/ năm. Hãy bám sát số tiền này để thiết kế hợp đồng bảo hiểm cho anh A và chị B.
Những điều cần biết trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ-ảnh 3
Nếu bạn tuân thủ 1 cách kỷ luật dựa theo cách tính chi phí trên thì bạn không phải lo lắng các khoản phí đóng cho Hợp đồng bảo hiểm trong tương lai. Một số tư vấn tài chính có thể vin vào tổng thu nhập của vợ chồng anh A+chị B là 540 triệu/ năm và tính phí cho 1 hợp đồng bảo hiểm tương đương 54 triệu/ năm (10% thu nhập). Hợp đồng tính theo cách này không phản ánh hết được chi phí hàng tháng của vợ chồng này nên nếu họ có biến động việc làm/ covid,..sẽ có lúc khó khăn trong việc tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm. Đừng để gặp phải tình trạng Vợ chồng trẻ than trời, chật vật vì khoản phí bảo hiểm nhân thọ 39 triệu đồng/năm.
3. So sánh đặc điểm các loại bảo hiểm
Bảo hiểm nhân thọ có rất nhiều gói phù hợp với từng nhu cầu khác nhau, đừng quên phân tích và so sánh các loại bảo hiểm để tìm được gói bảo hiểm nhân thọ phù hợp nhất. Nếu trong quá trình lựa chọn gói bảo hiểm có sự khó khăn, bạn có thể tham khảo những lời khuyên từ các tư vấn tài chính để có quyết định chính xác và phù hợp nhất với mong muốn của bản thân.

4. Các trường hợp được chi trả, bồi thường trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Không phải bất cứ trường hợp rủi ro nào xảy ra trong quá trình tham gia bảo hiểm nhân thọ đều được chi trả hoặc bồi thường. Vậy nên, bên cạnh việc tham khảo về quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ càng các trường hợp bồi thường, chi trả, không bồi thường trong hợp đồng.

5. Tìm hiểu kỹ điều khoản sản phẩm và hợp đồng bảo hiểm
Đây là phần đau đầu nhất bạn cần phải xem kỹ và hiểu kỹ trước khi quyết định mua.85-90% hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có cấu trúc và điều khoản giống nhau, vì vậy chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những cái được xem là quan trọng nhất.

a. Sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ
1 Hợp đồng Bảo hiểm (HĐBH) thường có sản phẩm chính và gắn thêm 2-4 sản phẩm bổ trợ. Sản phẩm chính và sản phẩm bổ trợ thường có thời gian đóng phí khác nhau. Ví dụ bạn ký 1 hợp đồng BH với thời gian đóng phí 10 năm gồm 1 sản phẩm chính - bảo vệ bạn đến 80 tuổi và 2 sản phẩm bổ trợ - bảo vệ bạn đến 70-75 tuổi. Như vậy sau 10 năm bạn sẽ không phải đóng phí cho sản phẩm chính, còn sản phẩm bổ trợ thì sao? Sản phẩm bổ trợ là quyền lợi sống cộng thêm, gần như không có giá trị hoàn lại hoặc rất ít (chỉ tầm 2-5% số tiền được hoàn lại), nó cũng giống như bảo hiểm ô tô hoặc xe máy mà các bạn mua.

Khi sản phẩm chính hết thời hạn phải đóng phí, sản phẩm bổ trợ vẫn tiếp tục (nếu như bạn không yêu cầu dừng lại), nếu bạn không đóng phí thì trong điều khoản hợp đồng bảo hiểm có cho phép dùng giá trị tài khoản bảo hiểm để đóng cho các khoản phí bổ trợ. Điều này dẫn tới điều gì? Nếu HĐBH của bạn có cấu trúc phần bổ trợ tỷ lệ phí đóng lớn hơn phí của phần sản phẩm chính thì khi sản phẩm chính hết hạn đóng phí, việc phân bổ tài khoản bảo hiểm sang đóng phí cho sản phẩm bổ trợ sẽ khiến giá trị tài khoản bảo hiểm hoàn lại của bạn ngày càng giảm.

b. Lãi suất đảm bảo, lãi suất minh họa, lãi suất niêm yết.
Lãi suất minh họa là lãi suất không cam kết, nó chỉ tính dựa trên dự trù kết quả kinh doanh của công ty bảo hiểm. Vì vậy đối với HĐBH thì bạn chỉ cần quan tâm Lãi suất đảm bảo và Lãi suất niêm yết. Các công ty bảo hiểm niêm yết lãi suất hàng tháng trên cổng thông tin chính thức của họ và báo cáo minh bạch cho Bộ Tài Chính, bạn có thể dễ dàng cập nhật hàng tháng. Nếu bạn chỉ chăm chăm nhìn vào lãi suất đảm bảo thì bạn đã không tin tưởng khả năng kinh doanh của công ty bảo hiểm.

c. Chấm dứt hợp đồng trước hạn
Khi bạn mua HĐBH thời hạn 10-20 năm, vì lý do gì đó phải chấm dứt hợp đồng trước hạn thì chúng ta nên quan tâm các khoản phí nào sẽ bị khấu trừ trước khi bạn được nhận lại giá trị hoàn lại. Các khoản phí sẽ bị khấu trừ (lưu ý, nếu HĐBH của bạn có khoản đầu tư thêm thì phần này không bị khấu trừ một đồng nào cả):
  • Phí rủi ro: phần phí này trừ từng năm để Công ty BH bảo vệ bạn theo mệnh giá bảo hiểm đã ký kết, bạn có thể xem phí này chi tiết trong bảng minh họa quyền lợi
  • Phí ban đầu: phí này trừ vào năm thứ 1,2,3 của HĐBH dựa trên mức phí của Sản Phẩm Chính. Tỷ lệ trừ phí ban đầu trong 3 năm đầu thường nằm trong khoảng: 80%-->85% cho năm thứ 1; 40%-->65% cho năm thứ 2; 25%-->30% cho năm thứ 3; từ năm thứ 4 trở đi thì không bị trừ Phí ban đầu. Như vậy sau 3 năm đóng phí thì phần hoàn lại Sản phẩm chính đã đóng của HĐBH còn khoảng 125% -->150% Phí của 1 năm sản phẩm chính. 
  • Phí chấm dứt Hợp đồng trước hạn: Thường phí chấm dứt HĐBH trước hạn trong năm 1-->3 là 100% phí 1 năm của sản phẩm chính; các năm sau đó tính từ năm thứ 4-->9 sẽ giảm từ 90%/ năm -->20%/năm. Từ năm thứ 10 trở đi sẽ không bị trừ phí chấm dứt HĐ trước hạn. 
  • Phí quản lý Hợp đồng hàng tháng: Phí này trung bình 45.000 đồng/ tháng cho 9 năm đầu tiên, năm thứ 10 thường 60.000 đồng/ tháng.
Như vậy nếu bạn chấm dứt HĐBH vào năm thứ 1, 2, 3 thì gần như bạn không có giá trị hoàn lại bất kể số tiền bạn đã đóng là bao nhiêu (không tính phần đầu tư thêm, nếu có).
d. Thời gian chờ và danh mục loại trừ của sản phẩm
Sản phẩm chính hay bất cứ sản phẩm bổ trợ nào (trừ sản phẩm bổ trợ là Tai Nạn) đều có thời gian chờ. Thời gian chờ của sản phẩm ngăn tình huống trục lợi bảo hiểm hoặc gian dối khi khai báo tình trạng bệnh đã tồn tại trước.

Các tình trạng tồn tại trước, các vi phạm pháp luật của Bên mua BH/ Người được bảo hiểm sẽ bị loại trừ (không được trả quyền lợi).

6. Nắm rõ quy định trả quyền lợi của bảo hiểm
Công ty có quyền từ chối giải quyết quyền lợi bảo hiểm nếu khách hàng nộp yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm chậm so với quy định nên một điểm lưu ý không kém quan trọng nữa khi tham gia bảo hiểm là nắm rõ quy định chi trả của công ty cho từng sản phẩm cụ thể.
Những điều cần biết trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ-ảnh 4
- Thời hạn nộp đơn sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp rủi ro, thông thường là 12 tháng với trường hợp tử vong hoặc mắc bệnh hiểm nghèo; 20 - 60 ngày với trường hợp nằm viện nội trú hoặc bị chấn thương do tai nạn dẫn đến tổn thương bên trong; từ 30 - 90 ngày kể từ khi người tham gia bảo hiểm được kết luận chính xác về bệnh tình của mình...

- Hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm của từng công ty sẽ khác nhau với từng trường hợp nằm viện, tai nạn, thương tật hay tử vong...bạn cần nắm ngay từ đầu tránh trường hợp chậm trễ do thiếu thủ tục.

- Thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm thông thường là 15-30 ngày tính từ ngày công ty nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Mỗi một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ có những thông tin, quyền lợi, điều khoản rõ ràng nên khi mua bảo hiểm nhân thọ bạn cần tìm hiểu kỹ từng hạng mục trên đây để đảm bảo quyền lợi của mình.
Nếu thấy bài viết trên hữu ích hãy vui lòng chia sẻ cho bạn bè và gia đình bạn nhé.
Chuyên mục: ,

NHẬN XÉT&BÌNH LUẬN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét